Tuổi nghỉ hưu bao nhiêu là phù hợp đối với lao động nữ? Theo TS Nguyễn Thị Lan Hương, Viện trưởng Viện Khoa học lao động xã hội (Bộ LĐTB&XH) có tới 41% phụ nữ vẫn tiếp tục làm việc sau khi nghỉ hưu. Trong khi đó, theo quy định hiện hành tuổi nghỉ hưu của phụ nữ thấp hơn nam giới 5 năm, dẫn tới thời gian làm việc của họ ngắn hơn, cũng có nghĩa phụ nữ có ít cơ hội được đề bạt tới các vị trí cao hơn so với nam giới.
Nguy cơ mất cân bằng tài chính nghiêm trọng
Cũng theo bà Nguyễn Thị Lan Hương, hiện Quỹ hưu trí đang chịu gánh nặng chi trả lớn do phụ nữ nghỉ hưu sớm hơn 5 tuổi. Kết quả khảo sát mới đây của Viện Khoa học Lao động - Xã hội cho thấy, trong nhóm dân số từ 45 đến 54 tuổi, tỷ lệ phụ nữ đang hưởng lương cao hơn nhiều so với tỷ lệ nam giới đang hưởng lương hưu (6,2% so với 3,8%). Một trong những nguyên nhân là do quy định độ tuổi nghỉ hưu và mất sức lao động của phụ nữ sớm hơn 5 năm so với nam giới.
Hiện tại, tình trạng mất cân bằng tài chính này do lực lượng lao động khu vực chính thức - tức là phải tham gia BHXH bắt buộc, đang gia tăng nhanh chóng ở Việt Nam. Hay nói cách khác, số lượng người đang hưởng lương hưu thấp hơn rất nhiều so với số lượng người đang đóng bảo hiểm. Tình trạng tài chính sẽ không thể bền vững trong dài hạn, khi dân số già hóa, số lượng người đóng bảo hiểm sẽ ít hơn số người hưởng lương hưu. Bà Hương cho biết.
"Nếu nâng quy định tuổi nghỉ hưu của phụ nữ thêm 1 năm, từ tuổi 55 lên tuổi 56 sẽ dẫn tới giảm số lượng người về hưu mới. Tuy nhiên, vẫn phải giữ quy định về những nhóm phụ nữ được quyền nghỉ hưu sớm hơn, ví dụ phụ nữ bị giảm khả năng lao động 61% trở lên... Vẫn có quyền nghỉ hưu ở độ tuổi sớm hơn. Theo quy định, những phụ nữ đến tuổi nghỉ hưu nhưng có thời gian đóng BHXH ít hơn 20 năm sẽ không được quyền hưởng lương hưu hàng tháng theo quy định hiện hành. Nếu nâng quy định về tuổi nghỉ hưu những người phụ nữ này có khả năng sẽ được hưởng phúc lợi này”. Bà Hương nhấn mạnh.
Đồng quan điểm với bà Hương, ông Nguyễn Hùng Cường, Phó trưởng ban thực hiện chính sách BHXH, BHXH Việt Nam cho biết, dự báo đến năm 2037, nếu không có chính sách hoặc biện pháp tăng thu hoặc giảm chi thì số thu BHXH trong năm và số tồn tích bắt đầu không đảm bảo khả năng chi trả. Các năm sau đó, số chi lớn hơn rất nhiều so với số thu trong năm. Theo ông Cường, tình trạng mất cân đối quỹ có nhiều nguyên nhân, trong đó, việc quy định tuổi nghỉ hưu còn thấp trong khi đó hiện tuổi thọ trung bình của nước ta ngày càng tăng đã làm thời gian trả lương hưu sẽ kéo dài. Bên cạnh đó, quy định giảm tuổi nghỉ hưu để giải quyết các chính sách khác mà không quy định bù vào số tiền phải đóng BHXH và hưởng lương do nghỉ hưu sớm hơn so với quy định.
"Nghiên cứu tăng tuổi nghỉ hưu từ năm 2015 với phương thức tăng dần, cứ 2 năm tăng thêm 1 tuổi đến khi nam đủ 65 tuổi, nữ đủ 60 tuổi thì chỉ riêng với thay đổi này, quỹ hữu trí, tử tuất bảo đảm cân đối thêm khoảng 20 năm, do thời gian đóng BHXH kéo dài thêm 5 năm và thời gian hưởng lương hưu giảm 5 năm. Đây là giải pháp hữu hiệu nhất trong các giải pháp nhằm bảo đảm cân đối quỹ hưu trí bền vững. Đây cũng là xu hướng chung của nhiều nước trên thế giới”- Ông Cường kiến nghị.
Cần có lộ trình
Tại Hội thảo đóng góp ý kiến Dự thảo Bộ Luật Lao động sửa đổi về tuổi nghỉ hưu sáng ngày 17-4, ông Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội cho rằng, chúng ta không nên coi 60 tuổi nghỉ hưu hay 55 tuổi nghỉ hưu của lao động hiện hành là quy định tuổi lao động. Bởi NLĐ khi nghỉ hưu, người ta hoàn toàn có thể lao động và có thu nhập chính đáng. Coi tuổi nghỉ hưu của nam và nữ là quyền được nghỉ hưu, phải bình đẳng với nhau về tuổi nghỉ hưu. Xu thế trong tương lai, khả năng già hóa dân số trong 10 năm tới. Hiện nay 9 người đóng, 1 người hưởng. Thời gian tới 2 người đóng, 1 người hưởng thì tương lai thâm hụt quỹ bảo hiểm sẽ diễn ra. Độ tuổi nghỉ hưu như nhau, sẽ đảm bảo bình đẳng giới.
Trước mắt, các đại biểu Quốc hội và cử tri mong muốn tạm thời giữ nguyên quy định hiện hành như hiện tại. Nhưng trong tương lai phải tính toán. Ngoài việc quy định nam 60, nữ 55 thì chúng ta nới cho 2 đối tượng. Với nhóm đối tượng làm việc ở vùng sâu, vùng xa, phụ cấp khu vực từ 0,7 trở lên và lao động nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thì sẽ hạ thời gian nghỉ hưu. Nhưng nghỉ sớm bao nhiêu năm cần phải có tính toán tránh dẫn tới tình trạng hiện nay, có người 45 tuổi đã nghỉ hưu, dẫn tới nguy cơ mất cân đối quỹ BHXH.
Nhóm thứ 2 là những người có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao như GS, TS, Bác sĩ, nhóm các nhà quản lý, nhóm lao động đặc thù cần nâng tuổi nghỉ hưu lên. Ông Lợi cho biết, lần này Quốc hội sẽ quyết định nâng tuổi của 3 nhóm đó lên để trong thời gian tới, khi đủ điều kiện, chúng ta sẽ nâng tuổi nghỉ hưu không chỉ của nữ mà cả của nam.
Ông Đặng Đức San, Vụ trưởng Vụ pháp chế, Bộ LĐTB & XH cũng cho rằng quy định tuổi nghỉ hưu đối với lao động nữ trong lần sửa đổi, bổ sung Bộ Luật lao động lần này đã được quy định linh hoạt hơn, để vẫn bình đẳng về quyền và lợi ích cho lao động nữ mà đảm bảo cân đối cho quỹ hưu trí.
Theo Báo Mới
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét