Thứ Tư, 4 tháng 4, 2012

Tăng trưởng thấp, thất nghiệp tăng


Tình hình kinh tế quý I/2012 khó khăn, giá nguyên vật liệu và các yếu tố đầu vào tăng, nguồn tín dụng cho hoạt động sản xuất chưa thật sự khơi thông. Đây là một nội dung quan trọng được UBND TPHCM bàn thảo tại cuộc họp đánh giá tình hình kinh tế - xã hội thành phố quý I và nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm quý II/2012 hôm 3.4.

Tăng trưởng thấp

Theo UBND TPHCM, tổng sản phẩm nội địa (GDP) trên địa bàn TPHCM trong quý I/2012 tăng 7,4% - đây là mức tăng trưởng thấp so với các năm 2010-2011 (cùng kỳ năm 2011 tăng 10,3%). Trong đó, mức tăng trưởng của khu vực dịch vụ, công nghiệp và xây dựng đều thấp hơn mức tăng trưởng cùng kỳ 2011 từ khoảng 2 - 4%. Tổng kim ngạch xuất khẩu của TPHCM, nếu không tính dầu thô thì chỉ tăng 8,5% trong khi mức tăng cùng kỳ 2011 lên đến 24,3%. UBND TPHCM cho rằng, nguồn nguyên liệu thủy sản cho chế biến gặp khó khăn, thị trường xuất khẩu lớn của thành phố (như Mỹ, EU) sức mua giảm. Mặt hàng xuất khẩu chủ yếu là những mặt hàng thô, sản phẩm gia công với giá trị gia tăng thấp nên kim ngạch XK không cao.

Ông Thái Văn Rê - GĐ Sở KHĐT cho biết, trong quý I/2012 có gần 6.000 DN ngừng hoạt động. “Không phải tất cả các DN này đều giải thể, phá sản. Có thể họ thông báo tạm ngừng hoạt động trong một thời gian để khỏi phải nộp thuế và chờ đến thời điểm thích hợp sẽ hoạt động trở lại” - ông Thái Văn Rê nhận định. Tuy nhiên, từ đầu năm đến nay thành phố cũng tiếp nhận 4.988 DN thành lập mới. Nhưng không phải tất cả các DN đăng ký mới đều hoạt động. Lãnh đạo quận Tân Bình phản ánh: “Sau khi hậu kiểm hơn 700 DN mới đăng ký thì phát hiện đến nay có đến 30% DN vẫn chưa hoạt động”.

Thất nghiệp tăng

Tuyển dụng lao động giảm sút, số lượng người đăng ký thất nghiệp tăng lên. Số lượng người lao động đăng ký thất nghiệp gần 29.000 người, trong đó có 16.800 người đã nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp, tăng 8.800 người so cùng kỳ năm 2011. Ông Nguyễn Tấn Định – Phó ban Quản lý các KCX-KCN TPHCM - cho biết, 3 tháng năm 2012 có khoảng 100 DN (chủ yếu DN nhỏ) tại các KCX-KCN ngừng hoạt động. Còn những DN lớn hầu hết cố gắng duy trì sản xuất với quy mô hiện hữu, không mở rộng sản xuất hay tuyển thêm lao động. “Nếu như trong năm 2011, các DN trong KCX-KCN thông báo đăng ký tuyển dụng thêm 50.000 lao động thì năm 2012 họ chỉ đăng ký tuyển 30.000 lao động. Trên thực tế, con số các DN tuyển dụng còn thấp hơn rất nhiều, bởi một số DN trước đây treo biển tuyển 3.000 - 5.000 lao động thì nay đã tháo biển xuống hết” - ông Nguyến Tấn Định giải thích.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét